Cách xây dựng thang bảng lương (phần 1)
Hiện nay nhiều quy định ngày càng chặt chẽ hơn về tiền công, tiền lương của người lao động. Hôm nay Edubelife – Kế toán Hồng Trang sẽ chia sẻ với các bạn một số vấn đề về Thang bảng lương thông qua 2 bài viết:
- Quỵ định của pháp luật về xây dựng thang bảng lương.
1.1. Tại sao lại phải lập thang bảng lương, nộp ở đâu?
– Căn cứ điều 93 của bộ Luật Lao động– Luật số 10/2012/QH13 ngày 18/6/2012 có quy định:
“Điều 93. Xây dựng thang lương, bảng lương và định mức lao động
- Trên cơ sở các nguyên tắc xây dựng thang lương, bảng lương và định mức lao động do Chính phủ quy định, người sử dụng lao động có trách nhiệm xây dựng thang lương, bảng lương, định mức lao động làm cơ sở để tuyển dụng, sử dụng lao động, thỏa thuận mức lương ghi trong hợp đồng lao động và trả lương cho người lao động.
- Khi xây dựng thang lương, bảng lương, định mức lao động người sử dụng lao động phải tham khảo ý kiến tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở và công bố công khai tại nơi làm việc của người lao động trước khi thực hiện, đồng thời gửi cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp huyện nơi đặt cơ sở sản xuất, kinh doanh của người sử dụng lao động.”
=> Như vậy, người sử dụng lao động có trách nhiệm xây dựng thang bảng lương để nộp cho cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp huyện nơi đạt cơ sở sản xuất kinh doanh của người lao động (Phòng Lao động thương binh xã hội quận, huyện)
1.2. Không xây dựng thang bảng lương có bị phạt không?
Căn cứ khoản 10, điều 1, Nghị định 88/2015/NĐ-CP quy định sửa đổi bổ sung một số điều của nghị định 95/2013/NĐ-CP như sau:
“ 1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động không gửi thang lương, bảng lương, định mức lao động đến cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp huyện theo quy định.
- Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây
a) Không xây dựng thang lương, bảng lương, định mức lao động hoặc xây dựng thang lương, bảng lương, định mức lao động không đúng quy định pháp luật;
b) Sử dụng thang lương, bảng lương, định mức lao động không đúng quy định khi đã có ý kiến sửa đổi, bổ sung của cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp huyện;
c) Không công bố công khai tại nơi làm việc thang lương, bảng lương, định mức lao động, quy chế thưởng;
d) Không thông báo cho người lao động biết trước về hình thức trả lương ít nhất 10 ngày trước khi thực hiện.”
=> Như vậy, doanh nghiệp nếu không lập thang bảng lương và nộp theo quy định thì sẽ bị phạt theo quy định trên
1.3.Thang bảng lương trong một doanh nghiệp có vai trò như thế nào?
1.3.1. Bảo hiểm xã hội
– Hiện nay, khi làm thủ tuc tham gia bảo hiểm xã hội lần đầu ở các cơ quan bảo hiểm thì thường đều bắt buộc phải có thang bảng lương do Phòng LĐTBXH đóng dấu.
1.3.2. Chi phí tiền lương, tiền công trong doanh nghiệp
– Thang bảng lương là căn cứ để quản lý, đối chiếu, xác định tiền lương, tiền công tương ứng với các chức danh, thâm niên làm việc trong một doanh nghiệp.
– Là căn cứ xây dựng quy chế khen thưởng, quy chế tiền lương trong một doanh nghiệp.
– Là một trong những căn cứ để xác định chi phí tiền lương, tiền công được trừ khi quyết toán thuế.
Vậy cách xây dựng thang bảng lương như thế nào, bộ hồ sơ đăng ký thang bảng lương ra sao, hãy cùng Edubelife – Kế Toán Hồng Trang chia sẻ ở bài viết thứ 2 nhé.
- Cách xây dựng thang bảng lương
2.1. Bộ hồ sơ đăng ký thang bảng lương
2.2. Cách xây dựng thang bảng lương
2.3. Thang bảng lương mẫu
Yến Thanh