HƯỚNG DẪN KẾ TOÁN CHI PHÍ NGHỈ MÁT NĂM 2020

HƯỚNG DẪN KẾ TOÁN CHI PHÍ NGHỈ MÁT NĂM 2020

Mùa hè lại đến rồi. Mùa hè năm nay có vẻ đến sớm hơn và có phần oi bức hơn các năm trước. Dịch cúm CoVid 19 đã có những tác động không mong muốn tới hầu hết các DN chúng ta. Nhưng trong đó, vẫn có không ít các DN vượt lên trên nghịch cảnh, vẫn phát triển vững mạnh, đón nhận mùa hè này với một tâm thế hứng khởi. Ban giám đốc các Công ty này đang lên kế hoạch cho người lao động đi nghỉ mát.

Giám đốc và Kế toán trưởng các DN không khỏi băn khoăn:

  1. Chi phí đi nghỉ mát – mang tính chất phúc lợi, không thực tế liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh – vậy chi phí này có được trừ?
  2. Thuế GTGT đầu vào của dịch vụ đi nghỉ mát có được khấu trừ?
  3. Căn cứ chứng từ hạch toán như thế nào?
  4. Tổ chức công tác kế toán ra sao?

Thấu hiểu những băn khoăn của các Giám đốc, Kế toán trưởng DN, Edubelife xin có đôi dòng chia sẻ một vài quan điểm giải đáp vấn đề thực tiễn trên.

I/ CĂN CỨ PHÁP LÝ

THỨ NHẤT – .Căn cứ Khoản 1 Điều 4 Thông tư 96/2015/ TT-BTC  hướng dẫn Luật thuế TNDN

  1. Trừ các khoản chi không được trừ nêu tại Khoản 2 Điều này, doanh nghiệp được trừ mọi khoản chi nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau:
  2. a) Khoản chi thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN.
  3. b) Khoản chi có đủ hoá đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của pháp luật.
  4. c) Khoản chi nếu có hoá đơn mua hàng hoá, dịch vụ có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên (giá đã bao gồm thuế GTGT) khi thanh toán phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt.

THỨ 2 – Căn cứ tiết 2.30 Khoản 2 Điều 4 Thông tư 96/2015/ TT- BTC hướng dẫn thuế TNDN

Khoản chi có tính chất phúc lợi chi trực tiếp cho người lao động như: chi đám hiếu, hỷ của bản thân và gia đình người lao động; chi nghỉ mát, chi hỗ trợ điều trị; chi hỗ trợ bổ sung kiến thức học tập tại cơ sở đào tạo; chi hỗ trợ gia đình người lao động bị ảnh hưởng bởi thiên tai, địch họa, tai nạn, ốm đau; chi khen thưởng con của người lao động có thành tích tốt trong học tập; chi hỗ trợ chi phí đi lại ngày lễ, tết cho người lao động; chi bảo hiểm tai nạn, bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm tự nguyện khác cho người lao động (trừ khoản chi mua bảo hiểm nhân thọ cho người lao động hướng dẫn tại điểm 2.6, bảo hiểm hưu trí tự nguyện cho người lao động hướng dẫn tại điểm 2.11 Điều này) và những khoản chi có tính chất phúc lợi khác. Tổng số chi có tính chất phúc lợi nêu trên không quá 01 tháng lương bình quân thực tế thực hiện trong năm tính thuế của DN.

  • Việc xác định 01 tháng lương bình quân thực tế thực hiện trong năm tính thuế của DN được xác định bằng quỹ tiền lương thực hiện trong năm chia (:) 12 tháng. Trường hợp DN hoạt động không đủ 12 tháng thì: Việc xác định 01 tháng lương bình quân thực tế thực hiện trong năm tính thuế được xác định bằng quỹ tiền lương thực hiện trong năm chia (:) số tháng thực tế hoạt động trong năm.
  • Quỹ tiền lương thực hiện là tổng số tiền lương thực tế đã chi trả của năm quyết toán đó đến thời hạn cuối cùng nộp hồ sơ quyết toán theo quy định (không bao gồm số tiền trích lập quỹ dự phòng tiền lương của năm trước chi trong năm quyết toán thuế).

 

THỨ 3 – Căn cứ khoản 1 – Điều 14 Thông tư 219/2013/TT-BTC hướng dẫn Luật thuế GTGT

Điều 14. Nguyên tắc khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào

  1. Thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ dùng cho sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT được khấu trừ toàn bộ, kể cả thuế GTGT đầu vào không được bồi thường của hàng hóa chịu thuế GTGT bị tổn thất….

 

THỨ 4 – Căn cứ khoản 9 – Điều 14 Thông tư 219/2013/TT-BTC hướng dẫn Luật thuế GTGT

  1. Số thuế GTGT đầu vào không được khấu trừ, cơ sở kinh doanh được hạch toán vào chi phí để tính thuế thu nhập DN hoặc tính vào nguyên giá của tài sản cố định, trừ số thuế GTGT của hàng hóa, dịch vụ mua vào từng lần có giá trị từ hai mươi triệu đồng trở lên không có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt.

II/ KẾT LUẬN

1/ CHI PHÍ NGHỈ MÁT CÓ ĐƯỢC TRỪ?

=> Chi phí nghỉ mát 2020 ĐƯỢC TRỪ nếu thoả mãn các điều kiện quy định tại Khoản 1 và tiết 2.30 Khoản 2 Điều 4 Thông tư 96/2015/TT-BTC

2/ THUẾ GTGT CỦA DỊCH VỤ NGHỈ MÁT 2020 CÓ ĐƯỢC KHẤU TRỪ?

Do Thuế GTGT đầu vào của dịch vụ nghỉ mát KHÔNG dùng cho hoạt động sản xuất kinh doanh hàng hoá, dịch vụ của DN nên KHÔNG được khấu trừ theo quy định tại khoản 1 – Điều 14 Thông tư 219/2013/TT-BTC hướng dẫn Luật thuế GTGT.

Tuy nhiên, toàn bộ số thuế GTGT đầu vào “không được khấu trừ, cơ sở kinh doanh được hạch toán vào chi phí để tính thuế thu nhập DN” theo quy định tại Căn cứ khoản 9 – Điều 14 Thông tư 219/2013/TT-BTC hướng dẫn Luật thuế GTGT (xem ví dụ minh hoạ tại mục 4  – Phần kết luận)

3/ CĂN CỨ CHỨNG TỪ HẠCH TOÁN CHI PHÍ NGHỈ MÁT

Để khoản “chi nghỉ mát” năm 2020 là chi phí được trừ, chúng ta cần phản ánh trên các chứng từ sau:

 + Hợp đồng lao động, trong đó DN và người lao động có thỏa thuận cụ thể về việc chi các khoản phúc lợi.

+ Quy chế tài chính/ Quy chế phúc lợi của DN, trong đó có quy định cụ thể về mức chi, đối tượng chi, điều kiện chi nghỉ mát cho tập thể người lao động

+ Tờ trình Tổ chức công đoàn hoặc Bộ phận hành chính nhân sự trình Giám đốc, Phòng Tài chính kế toán phê duyệt kế hoạch:”Chi nghỉ mát cho người lao động”

+ Khoản chi có đủ hoá đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của pháp luật như Hợp đồng dịch vụ du lịch, Hóa đơn GTGT hợp lệ của bên Du lịch, Biên bản nghiệm thu khối lượng dich vụ hoàn thành.

+ Khoản chi này có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên, đối với trường hợp mua hàng hóa dịch vụ phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt

+ Chú ý: Tổng số chi có tính chất phúc lợi (bao gồm cả khoản chi nghỉ mát trên) không quá 01 tháng lương bình quân thực tế thực hiện trong năm tính thuế của DN.

4/ HẠCH TOÁN CHI PHÍ NGHỈ MÁT 2020

Ví dụ; Công ty X thanh toán chi phí tổ chức nghỉ mát cho người lao động năm 2020 bằng chuyển khoản là 220 triệu đồng (đã bao gồm thuế GTGT 10%), có dầy đủ chứng từ hợp lệ kèm theo và tổng số chi có tính chất phúc lợi (bao gồm cả khoản chi nghỉ mát trên) không quá 01 tháng lương bình quân thực tế thực hiện trong năm tính thuế 2020 của DN.

Căn cứ chế độ kế toán được Bộ tài chính quy định tại Thông tư 133/2016/TT-BTC và Thông tư 200/2014/TT-BTC, trường hợp chi phí nghỉ mát 2020 đáp ứng các điều kiện theo quy định pháp luật trên, hạch toán như sau:

Nợ TK 642 (chi phí quản lý DN)/Có TK 112 = 220 triệu đồng.

Trên đây là đôi dòng chia sẻ quan điểm của EDUBELIFE liên quan đến công tác kế toán chi phí nghỉ mát năm 2020 của DN.

Kính chúc các DN vừa phát triển mạnh mẽ vừa duy trì biện pháp chống dịch Covid 19 hiệu quả. Chúc các bạn kế toán luôn được chủ DN trọng dụng và có thu nhập xứng đáng với tài năng, cống hiến của mình.

Các bài viết khác:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.