Các văn bản pháp luật mới tháng 5/2018

Các văn bản pháp luật mới tháng 5/2018

1/ Được khuyến mại, giảm giá đến 100% trong mùa giảm giá

Ngày 22/05/2018, Chính phủ ban hành Nghị định 81/2018/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động xúc tiến thương mại. Nghị định này có hiệu lực từ ngày 15/07/2018.

Theo đó, tiền có thể được sử dụng như hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại, trừ trường hợp khuyến mại theo hình thức: Đưa hàng mẫu, cung ứng dịch vụ mẫu để khách hàng dùng thử không phải trả tiền; Khuyến mại bằng hình thức giảm giá; Bán hàng, cung ứng dịch vụ có kèm theo phiếu mua hàng, phiếu sử dụng dịch vụ.

Giá trị vật chất dùng để khuyến mại cho một đơn vị hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại không được vượt quá 50% giá của đơn vị hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại đó trước thời gian khuyến mại.

Trong các trường hợp tổ chức các chương trình khuyến mại tập trung (giờ, ngày, tuần, tháng, mùa khuyến mại) thì áp dụng hạn mức tối đa về giá trị của hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại là 100%. Hạn mức này cũng được áp dụng đối với hoạt động khuyến mại trong khuôn khổ các chương trình, hoạt động xúc tiến thương mại do Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Cũng theo Nghị định này, mức giảm giá tối đa đối với hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại không được vượt quá 50% giá hàng hóa, dịch vụ đó ngay trước thời gian khuyến mại. Trừ trường hợp tổ chức trương trình khuyến mại tập trung thì được áp dụng mức giảm giá tối đa 100%.

Ngoài ra, doanh nghiệp không đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp không được khuyến mại theo mô hình đa cấp, trong đó đối tượng khuyến mại gồm nhiều cấp, nhiều nhánh, người trước được hưởng lợi ích từ việc mua hàng của người sau.

2/ Đóng bảo hiểm 10 – 15 năm cũng được hưởng lương hưu

Ngày 23/5/2018, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết 28-NQ/TW về chính sách bảo hiểm xã hội, dựa trên quan điểm Bảo hiểm xã hội là một trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Nghị quyết chỉ rõ:

– Sẽ sửa đổi điều kiện hưởng chế độ hưu trí theo hướng giảm dần số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống còn 15 năm, hướng tới còn 10 năm với mức hưởng được tính toán phù hợp.

– Mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với nhóm chủ hộ kinh doanh, người quản lý doanh nghiệp, người quản lý, điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương, người lao động làm việc theo chế độ linh hoạt.

– Từ năm 2021, thực hiện điều chỉnh tuổi nghỉ hưu theo mục tiêu tăng tuổi nghỉ hưu chung, thu hẹp dần khoảng cách về giới trong quy định tuổi nghỉ hưu; đối với ngành nghề đặc biệt, người lao động được quyền nghỉ hưu sớm hoặc muộn hơn 5 tuổi so với tuổi nghỉ hưu.

Xem toàn bộ điểm mới của Nghị quyết 28 về cải cách bảo hiểm xã hội tại đây.

3/Chính sách thúc đẩy khởi nghiệp, ưu đãi doanh nghiệp nhận chuyển giao công nghệ

Ngày 15/05/2018, Chính phủ ban hành Nghị định 76/2018/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chuyển giao công nghệ.

Theo đó, doanh nghiệp có dự án thuộc ngành, nghề ưu đãi đầu tư, địa bàn ưu đãi đầu tư nhận chuyển giao công nghệ từ tổ chức khoa học và công nghệ được hỗ trợ:

– Vay vốn với lãi suất ưu đãi, hỗ trợ lãi suất vay để thực hiện chuyển giao công nghệ, hỗ trợ tối đa 2%/năm lãi suất vay từ Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia, quỹ phát triển khoa học của bộ…;

– Hỗ trợ kinh phí thông qua thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ hoặc hỗ trợ trực tiếp.

Đồng thời, Nghị định quy định hỗ trợ, ưu đãi doanh nghiệp đầu tư cơ sở vật chất – kỹ thuật cho hoạt động giải mã công nghệ, tổ chức, cá nhân thực hiện việc giải mã công nghệ:

– Được hỗ trợ vốn, bảo lãnh vay vốn, hỗ trợ lãi suất vay vốn từ Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia, tổ chức tín dụng;

– Được ưu tiên vào khu công nghệ cao.

Ngoài ra, Nghị định cũng khuyến khích các doanh nghiệp hợp tác với cơ quan, tổ chức, cá nhân để triển khai các dự án đầu tư đổi mới công nghệ, khởi nghiệp sáng tạo, phát triển kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển khoa học và công nghệ, hoạt động nghiên cứu chung.

Nghị định này có hiệu lực từ ngày 01/07/2018.

4/ Thông tư 45/2018/TT-BTC của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn chế độ quản lý, tính hao mòn, khấu hao tài sản cố định tại cơ quan, tổ chức, đơn vị và tài sản cố định do Nhà nước giao cho doanh nghiệp quản lý không tính thành phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp

Tiêu chuẩn nhận biết tài sản cố định trong cơ quan Nhà nước

Ngày 07/05/2018, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 45/2018/TT-BTC hướng dẫn chế độ quản lý, tính hao mòn, khấu hao tài sản cố định tại cơ quan, tổ chức, đơn vị và tài sản cố định do Nhà nước giao cho doanh nghiệp quản lý không tính thành phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Thông tư quy định tiêu chuẩn nhận biết tài sản cố định như sau: Tài sản cố định hữu hình và tài sản cố định vô hình của cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp phải đồng thời thỏa mãn cả 02 tiêu chuẩn: Có thời gian sử dụng từ 01 năm trở lên; Có nguyên giá từ 10.000.000 đồng trở lên.

Theo đó, thời gian sử dụng và tỷ lệ hao mòn tài sản cố định hữu hình, cụ thể: Xe ô tô phục vụ công tác các chức danh có thời gian sử dụng 15 năm với tỷ lệ hao mòn % năm là 6,67%.

Đối với tài sản cố định hữu hình được sử dụng ở địa bàn có điều kiện thời tiết, môi trường ảnh hưởng đến mức hao mòn của tài sản cố định, trường hợp cần thiết phải quy định thời gian sử dụng của tài sản cố định khác. Việc điều chỉnh tỷ lệ hao mòn tài sản cố định không vượt quá 20% tỷ lệ hao mòn tài sản cố định đã được quy định tại Thông tư này.

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 02/07/2018.

5/ Thông tư 41/2018/TT-BTC của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn một số nội dung về xử lý tài chính và xác định giá trị doanh nghiệp khi chuyển doanh nghiệp Nhà nước và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do doanh nghiệp Nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần

Hướng dẫn mới về cổ phần hóa doanh nghiệp có hiệu lực từ 18/6/2018

Một số nội dung về xử lý tài chính và xác định giá trị doanh nghiệp khi chuyển doanh nghiệp Nhà nước và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do doanh nghiệp Nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần đã được Bộ Tài chính hướng dẫn tại Thông tư 41/2018/TT-BTC ngày 04/05/2018.

Khi xác định giá trị doanh nghiệp, nếu phát hiện kê khai thiếu hoặc bỏ sót các tài sản, công nợ trong quá trình kiểm kê tài sản, đối chiếu xác nhận công nợ dẫn đến giảm giá trị doanh nghiệp và vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cổ phần hóa do nguyên nhân chủ quan thì doanh nghiệp này và các tổ chức, cá nhân liên quan phải bồi hoàn nộp vào Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp toàn bộ giá trị tài sản, công nợ kê khai thiếu hoặc bỏ sót.

Chậm nhất 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được các quyết định, văn bản của cấp có thẩm quyền về xử lý các vấn đề về tài chính, lao động, đất đai liên quan đến quá trình cổ phần hoá, doanh nghiệp cổ phần hoá phải thực hiện công bố công khai thông tin trên trang điện tử của doanh nghiệp và gửi về Cổng thông tin điện tử Chính phủ.

Đối với các doanh nghiệp đã có quyết định công bố giá trị doanh nghiệp hoặc đã được phê duyệt phương án cổ phần hoá trước ngày 01/01/2018 nhưng chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án sử dụng đất thì phải hoàn thành việc phê duyệt phương án sử dụng đất trước thời điểm công ty cổ phần được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh lần đầu.

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 18/06/2018.

6/ Nghị định 63/2018/NĐ-CP của Chính phủ về đầu tư theo hình thức đối tác công tư

Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (sau đây gọi tắt là PPP) là hình thức đầu tư được thực hiện trên cơ sở hợp đồng dự án giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án để xây dựng, cải tạo, vận hành, kinh doanh, quản lý công trình hạ tầng, cung cấp dịch vụ công.

Ngày 04/05/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định 63/2018/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức đối tác  công tư, trong đó quy định nhiều ưu đãi đối với dự án đầu tư theo hình thức này.

Cụ thể, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án được hưởng các ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp; Hàng hóa nhập khẩu để thực hiện dự án được hưởng ưu đãi theo quy định về thuế xuất, nhập khẩu.

Ngoài ra, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án còn được miễn, giảm tiền sử dụng đất đối với diện tích đất được Nhà nước giao hoặc được miễn, giảm tiền thuê đất trong thời gian thực hiện dự án phù hợp với quy định về đất đai cùng các ưu đãi khác theo quy định hiện hành.

Đáng chú ý, Nghị định quy định giá, phí hàng hóa dịch vụ và các khoản thu từ dự án đối tác công tư phải đảm bảo lợi ích của 03 bên: Nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án – Người sử dụng – Nhà nước, tạo điều kiện để nhà đầu tư thu hồi vốn và lợi nhuận.

Khi điều chỉnh giá, phí và các khoản thu, doanh nghiệp dự án phải thông báo trước 30 ngày cho các đối tượng sử dụng hàng hóa, dịch vụ.

Nghị định này có hiệu lực từ ngày 19/06/2018.

7/ HƯỚNG DẪN VỀ THẨM QUYỀN, THỦ TỤC BỔ NHIỆM, BỔ NHIỆM LẠI, MIỄN NHIỆM, THAY THẾ VÀ PHỤ CẤP TRÁCH NHIỆM CÔNG VIỆC CỦA KẾ TOÁN TRƯỞNG, PHỤ TRÁCH KẾ TOÁN CỦA CÁC ĐƠN VỊ KẾ TOÁN TRONG LĨNH VỰC KẾ TOÁN NHÀ NƯỚC

“Đối tượng áp dụng của Thông tư này bao gồm:

  1. Cơ quan có nhiệm vụ thu, chi ngân sách nhà nước các cấp (Kho bạc nhà nước, cơ quan thuế, cơ quan hải quan);
  2. Đơn vị kế toán ngân sách và tài chính xã, phường, thị trấn;
  3. Cơ quan nhà nước;
  4. Đơn vị sự nghiệp công lập;
  5. Tổ chức, đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước;
  6. Ban quản lý dự án có tư cách pháp nhân do cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập thành lập;
  7. Cơ quan, tổ chức quản lý quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách nhà nước;
  8. Các tổ chức được Nhà nước cấp vốn để tổ chức hoạt động theo Mục tiêu chính trị – xã hội cụ thể;
  9. Kế toán trưởng, phụ trách kế toán của cơ quan, đơn vị quy định tại các Khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8 Điều này và các cá nhân, tổ chức khác có liên quan.”

Quy định tại Thông tư số 04/2018/TT-BNV của Bộ nội vụ ngày 27 tháng 03 năm 2018

Các bài viết khác:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.