Các Luật mới có ảnh hưởng lớn tới doanh nghiệp
Các Luật mới có ảnh hưởng lớn tới doanh nghiệp
Tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV, có 12 Luật mới đã được thông qua với nhiều nội dung đáng chú ý, EDUBELIFE trân trọng giới thiệu các Luật có ảnh hưởng lớn, tích cực đến đời sống hoạt động sản xuất kinh doanh của DN. Các DN được hưởng lợi từ chính sách mới với: Doanh nghiệp nhỏ và vừa được hưởng nhiều ưu đãi; DN xuất nhập khẩu với điều kiện áp dụng biện pháp chống bán phá giá; DN hoạt động trong lĩnh vực công nghệ, DN kinh doanh khách sạn; Chuyển cơ chế từ phí sang giá dịch vụ thủy lợi đối với DN kinh doanh trong lĩnh vực này
Sau đây là tổng quan Các Luật mới có ảnh hưởng lớn, tích cực các doanh nghiệp
1/ Doanh nghiệp nhỏ và vừa được hưởng nhiều ưu đãi
Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa số 04/2017/QH14 được Quốc hội thông qua ngày 12/06/2017, có hiệu lực từ ngày 01/01/2018.
Luật này quy định doanh nghiệp nhỏ và vừa được áp dụng có thời hạn mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp thấp hơn mức thông thường áp dụng cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp siêu nhỏ được áp dụng các thủ tục hành chính thuế và chế độ kế toán đơn giản theo quy định của pháp luật về thuế, kế toán.
Đồng thời, các doanh nghiệp nhỏ và vừa còn có thể được hỗ trợ giá thuê mặt bằng tại các khu công nghiệp, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp trên địa bàn. Thời gian hỗ trợ tối đa 05 năm, từ ngày ký hợp đồng thuê mặt bằng. Việc hỗ trợ này không áp dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa có vốn đầu tư nước ngoài, vốn Nhà nước. Về phát triển nguồn nhân lực, doanh nghiệp nhỏ và vừa được miễn, giảm chi phí tham gia các khóa đào tạo có sử dụng ngân sách Nhà nước về khởi sự kinh doanh và quản trị doanh nghiệp, đào tạo nghề cho lao động.
Nhằm khuyến khích các hộ kinh doanh chuyển thành doanh nghiệp nhỏ và vừa, Luật quy định doanh nghiệp nhỏ và vừa được chuyển đổi từ hộ kinh doanh được miễn lệ phí đăng ký doanh nghiệp và phí cung cấp thông tin doanh nghiệp lần đầu; miễn lệ phí môn bài trong 03 năm đầu; miễn, giảm tiền sử dụng đất có thời hạn…
2/ Biện pháp bảo hộ DN xuất nhập khẩu trước hoạt động bán phá giá – Điều kiện áp dụng biện pháp chống bán phá giá
Nội dung này được nêu tại Luật Quản lý Ngoại thương, số 05/2017/QH14 được Quốc hội thông qua 12/06/2017.
Theo đó, biện pháp chống bán phá giá được áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu khi có đủ các điều kiện sau: Hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam bị bán phá giá với biên độ bán phá giá được xác định cụ thể; Ngành sản xuất trong nước bị thiệt hại đáng kể hoặc bị đe dọa gây thiệt hại đáng kể hoặc ngăn cản sự hình thành của ngành sản xuất trong nước; Tồn tại mối quan hệ nhân quả giữa việc nhập khẩu hàng hóa bị bán phá giá với thiệt hại của ngành sản xuất trong nước.
Luật quy định không áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với hàng hóa nhập khẩu có biên độ bán phá giá không vượt quá 2% giá xuất khẩu hàng hóa vào Việt Nam. Trong trường hợp hàng hóa nhập khẩu có xuất xứ từ một nước có khối lượng hoặc số lượng không vượt quá 3% tổng khối lượng hoặc số lượng hàng hóa tương tự nhập khẩu vào Việt Nam; tổng khối lượng hoặc số lượng hàng hóa có xuất xứ từ các nước đáp ứng điều kiện trên không vượt quá 7% tổng khối lượng hoặc số lượng hàng hóa tương tự nhập khẩu vào Việt Nam thì các nước này được loại khỏi phạm vi áp dụng biện pháp chống bán phá giá.
Luật có hiệu lực từ ngày 01/01/2018
3/ Kinh doanh vận tải đường sắt là ngành, nghề ưu đãi đầu tư
Luật Đường sắt số 06/2017/QH14 của Quốc hội ngày 16/06/2017 quy định kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt, kinh doanh vận tải đường sắt, kinh doanh đường sắt đô thị và công nghiệp đường sắt là các ngành, nghề ưu đãi đầu tư.
Theo đó, tổ chức, cá nhân có các hoạt động nêu trên sẽ được hưởng các ưu đãi như: Được giao đất không thu tiền sử dụng đất đối với diện tích đất xây dựng kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị; Miễn tiền thuê đất đối với diện tích đất xây dựng kết cấu hạ tầng đường sắt chuyên dùng, công trình công nghiệp đường sắt.
Tổ chức, cá nhân còn được miễn thuế nhập khẩu đối với máy móc, thiết bị, phụ tùng thay thế, phương tiện giao thông đường sắt, nguyên liệu, vật tư dùng để chế tạo máy móc, thiết bị hoặc để chế tạo linh kiện, chi tiết, bộ phận rời, phụ tùng của máy móc, thiết bị cần thiết cho hoạt động đường sắt và vật tư cần thiết cho xây dựng kết cấu hạ tầng đường sắt mà trong nước chưa sản xuất được.
Ngoài ra, doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt, kinh doanh đường sắt đô thị, công nghiệp đường sắt được hưởng ưu đãi về thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp; Tổ chức, cá nhân khi đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị được Nhà nước bảo đảm toàn bộ kinh phí giải phóng mặt bằng đối với đất dành cho đường sắt; được dành riêng dải tần số vô tuyến điện phục vụ công tác điều hành giao thông vận tải đường sắt và hệ thống cung cấp điện sức kéo phục vụ chạy tàu.
Luật có hiệu lực từ ngày 01/07/2018.
4/ Hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng, đổi mới công nghệ
Luật Chuyển giao công nghệ số 07/2017/QH14 đã được Quốc hội thông qua ngày 19/06/2017 với nhiều nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích đối với doanh nghiệp ứng dụng, đổi mới công nghệ.
Theo đó, doanh nghiệp được sử dụng Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp để đầu tư, đối ứng vốn, nhận vốn đối ứng đầu tư cho đổi mới công nghệ, ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ, khởi nghiệp sáng tạo, thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ của mình và thực hiện nội dung chi khác theo quy định của pháp luật về khoa học và công nghệ.
Doanh nghiệp đầu tư cho cơ sở vật chất – kỹ thuật hoạt động giải mã công nghệ và tổ chức, cá nhân thực hiện việc giải mã công nghệ được hỗ trợ vốn, bảo lãnh vay vốn, hỗ trợ lãi suất vay vốn từ Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia, tổ chức tín dụng và các hỗ trợ, ưu đãi khác theo quy định pháp luật.
Luật cũng quy định cơ sở ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ, tổ chức, cá nhân đầu tư và hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo; tổ chức trung gian của thị trường khoa học và công nghệ có thu nhập từ hoạt động cung ứng dịch vụ chuyển giao công nghệ;… được hưởng ưu đãi theo quy định của pháp luật về thuế.
Luật này có hiệu lực từ ngày 01/07/2018.
5/ Chuyển cơ chế từ phí sang giá dịch vụ thủy lợi
Theo Luật Thủy lợi số 08/2017/QH14 , phí thủy lợi chuyển sang cơ chế giá; Nhà nước sẽ định giá sản phẩm, dịch vụ thủy lợi.
Giá sản phẩm, dịch vụ thủy lợi bao gồm chi phí quản lý, vận hành, bảo trì, chi phí khấu hao, chi phí thực tế hợp lý khác và lợi nhuận phù hợp với mặt bằng thị trường. Trong từng thời kỳ, căn cứ vào tình hình kinh tế – xã hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định chi phí khấu hao đối với công trình thủy lợi sử dụng vốn Nhà nước. Khi có các yếu tố hình thành giá thay đổi, giá sản phẩm, dịch vụ thủy lợi phải được kịp thời điều chỉnh.
Luật cũng chỉ rõ, Nhà nước có chính sách ưu đãi thuế với tổ chức, cá nhân quản lý, khai thác công trình thủy lợi cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi; Hỗ trợ tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng mới, sửa chữa, nâng cấp hệ thống thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng, hệ thống tưới tiên tiến, tiết kiệm nước, hệ thống xử lý nước thải để tái sử dụng; Hỗ trợ đầu tư nâng cấp, hiện đại hóa công trình thủy lợi.
Đối với chủ thể sử dụng sản phẩm, dịch vụ thủy lợi, Nhà nước hỗ trợ tiền sử dụng phù hợp với từng lĩnh vực, nhóm đối tượng sử dụng. Căn cứ khả năng ngân sách trong từng thời kỳ, Nhà nước hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi không phân biệt nguồn vốn đầu tư xây dựng công trình thủy lợi.
Luật này được thông qua ngày 19/06/2017, có hiệu lực từ ngày 01/07/2018.
6/ Cho phép tự nguyện đăng ký xếp hạng sao khách sạn
Đây là một trong những nội dung nổi bật tại Luật Du lịch số 09/2017/QH14 được Quốc hội thông qua ngày 19/06/2017, có hiệu lực từ ngày 01/01/2018.
Cụ thể, Luật cho phép tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch được tự nguyện đăng ký xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Khách sạn, biệt thự du lịch, căn hộ du lịch, tàu thủy lưu trú du lịch được xếp hạng theo tiêu chuẩn quốc gia về xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch; các hạng bao gồm: 01 sao, 02 sao, 03 sao, 04 sao và 05 sao.
Tổng cục Du lịch có thẩm quyền thẩm định, công nhận cơ sở lưu trú du lịch hạng 04 và 05 sao; Cơ quan chuyên môn về du lịch cấp tỉnh thẩm định, công nhận cơ sở lưu trú du lịch các hạng sao còn lại.
Tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch chỉ được sử dụng từ “sao” hoặc hình ảnh ngôi sao để quảng cáo về hạng cơ sở lưu trú du lịch sau khi được công nhận hạng. Khi đã được công nhận hạng, tổ chức, cá nhân phải treo biển công nhận hạng và quảng cáo đúng với loại, hạng đã được công nhận; Duy trì chất lượng của cơ sở lưu trú du lịch theo đúng loại, hạng đã được công nhận.
Về hướng dẫn viên du lịch, Luật quy định hướng dẫn viên du lịch chỉ được hành nghề khi có thẻ hướng dẫn viên du lịch; Có hợp đồng lao động với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành; Có hợp đồng hướng dẫn với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành hoặc văn bản phân công hướng dẫn theo chương trình du lịch. Trong đó, thẻ hướng dẫn viên có thời hạn 05 năm.
Mời các bạn đón đọc chi tiết với các file văn bản kèm theo dưới đây!
Luật thủy lợi:
Luật thủy lợi
Luật quản lý ngoại thương:
Luật quản lý ngoại thương
Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa:
Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa
Luật đường sắt:
Luật đường sắt
Luật du lịch:
Luật du lịch
Luật chuyển giao công nghệ:
Luật chuyển giao công nghệ