Bản chất công việc kế toán thực hành
Bản chất công việc kế toán thực hành
Thế nào là kế toán thực hành theo cách hiểu mang tính nghề nghiệp, chuyên môn cao, luôn là điều trăn trở không chỉ của người muốn theo học kế toán, muốn phát triển chuyên môn sâu về kế toán mà còn là sự tìm kiếm, mong có giải đáp cụ thể của không ít các chủ doanh nghiệp hiện nay.
Với mong muốn sẻ chia dưới các góc nhìn khác nhau, từ phía người làm công tác kế toán và chủ doanh nghiệp, Công ty cổ phần đào tạo kỹ năng tài chính EDUBELIFE xin bắt đầu về những vấn đề đang đặt ra trong thực tiễn, để cùng suy ngẫm về bản chất công việc kế toán thực hành.
Tình huống số 1: Chi phí tiền lương dài hạn & thời vụ
Một doanh nghiệp dịch vụ tư vấn đang trong quá trình thanh kiểm tra quyết toán thuế 3 năm vừa qua. Cơ quan thuế yêu cầu giải thích về chi phí tiền lương trong năm 2016 đối với hợp đồng lao động dài hạn là 3,5 tỷ; lao động thời vụ là 2 tỷ. Kế toán trưởng doanh nghiệp đang rất lo lắng về việc không biết giải thích như thế nào về 2 khoản này? Dựa trên kiến thức về phương pháp chứng từ, Bạn hãy tư vấn cho DN những chứng từ cần chuẩn bị để giải thích khoản mục này?
Tình huống 2: Quá nhiều hóa đơn tiếp khách, do Giám đốc “đưa” về
Một Kế toán trưởng đang rất lúng túng trong việc tiếp nhận quá nhiều hóa đơn tiếp khách, do Giám đốc “đưa” về để hạch toán vào tháng 7/2017 (60 triệu đồng, lớn gấp 5 lần tháng bình thường)? Chi phí này là loại chi phí gì của DN? Hạch toán vào khoản mục nào thì hợp lý? Đề xuất giải pháp xử lý tình huống này dựa trên kiến thức về chế độ kế toán, chuẩn mực kế toán, quy định pháp luật về thuế & hóa đơn GTGT và việc vận dụng phương pháp chứng từ trong thực tiền?
Trên đây là một phần nội dung của Bài tập thực hành số 5 trong Chương trình kế toán thực hành cơ bản (miễn phí) sắp tới sẽ khai giảng (06/09/2017) tại EDUBELIFE. Qua các tình huống thực tiễn sống động, phổ biến và điển hình trên, các bạn thấy rằng, kế toán thực hành không chỉ:
- Hạch toán thành thạo các nghiệp vụ kinh tế phát sinh (các nghiệp vụ hạch toán khá đơn giản)
- Cập nhật chứng từ vào Phần mềm kế toán
- Lên các sổ sách kế toán
- Lập các tờ khai thuế, Báo cáo tài chính doanh nghiệp
Mà quan trọng hơn, kế toán thực hành là công việc đòi hỏi kế toán cần có kỹ năng thực tiễn để vừa phản ánh trung thực, phù hợp về mặt pháp lý vừa đáp ứng tốt nhu cầu về mặt quản trị của DN. Cụ thể:
1/ Tình huống số 1: Chi phí tiền lương đặt ra yêu cầu kế toán làm sao để vừa phản ánh nghiệp vụ này phù hợp với quy định pháp lý về Chế độ kế toán, Luật lao động, Luật bảo hiểm, Luật thuế Thu nhập Cá nhân, Thuế thu nhập doanh nghiệp, vừa đảm bảo yêu cầu về quản trị doanh nghiệp như:
+ Toàn bộ chi phí tiền lương là chi phí được trừ (Tối thiểu hóa chi phí thuế Thu nhập doanh nghiệp)
+ Chi phí bảo hiểm đạt Min (tối thiểu hóa chi phí bảo hiểm)
+ Chi phí thuế Thu nhập cá nhân đạt Min (Tối thiểu hóa chi phí thuế Thu nhập cá nhân)
2/ Tình huống số 2: Chi phí tiếp khách lớn bất thường là vấn đề đặt ra đối với tình huống này. Hạch toán thế nào, phản ánh sổ sách ra sao, kỹ năng lập tờ khai thuế về khoản chi phí này…không nhiều ý nghĩa nữa nếu toàn bộ chi phí này là chi phí không được trừ, thuế GTGT đầu vào không được khấu trừ.
Như các bạn đã biết, khoản chi trên sẽ không được trừ nếu kế toán của chúng ta không có kỹ năng mềm giải trình trước cơ quan về chi phí này liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh như thế nào? Tại sao các tháng bình thường DN chỉ chi ra khoảng 10 triệu chi phí tiếp khách, tháng này lại chi đến 60 triệu đồng? Căn cứ Điều 4 Thông tư 96/2015/TT-BTC, Điều 6 Thông tư 78/2014/TT-BTC, khoản chi phí trên không được trừ. Theo đó, thuế GTGT đầu vào cũng không được trừ (Căn cứ điều kiện, nguyên tắc khấu trừ thuế GTGT quy định tại Thông tư 219/2013/TT-BTC)
3/ Vậy bản chất kế toán thực hành ở đây là gì? Theo quan điểm của chúng tôi, kế toán thực hành chuyên nghiệp đòi hỏi người làm công tác kế toán cần:
- Có kỹ năng cứng về kế toán tốt: Kỹ năng này là những kỹ năng tối thiểu yêu cầu kế toán phải có, yêu cầu hoàn thành khối lượng công việc đề ra dựa theo việc tuân thủ tính pháp lý của nghề nghiệp như chế độ kế toán, luật kế toán và các quy định pháp lý liên quan, trước hết quy định pháp luật về thuế.
- Có kỹ năng mềm về kế toán tốt: Đây là kỹ năng cao cấp về kế toán. Các DN hiện nay đang rất cần các bạn kế toán có kỹ năng này. Kỹ năng này yêu cầu người kế toán không chỉ biết thực hiện công tác kế toán đúng luật mà hơn thế, vừa thực hiện đúng luật, vừa làm “hài lòng” lãnh đạo DN. Trong 2 tình huống trên, kế toán cần nỗ lực giảm chi phí thuế, giảm chi phí bảo hiểm cho DN nhưng vẫn tuân thủ chặt chẽ các quy định pháp luật. Nếu làm được như vậy, chắc chắn các DN không thể trả lương thấp cho bạn! Hay nói một cách khác, đó là con đường để bạn có một vị trí công việc tốt, một mức thu nhập cao trong xã hội.
Cám ơn các bạn đã đọc và chia sẻ!