Cách xác định thuế, thu nhập chịu thuế TNCN trường hợp trả thu nhập thuần, đã khấu trừ 10%
Gần đây, trong quá trình tư vấn các doanh nghiệp, EDUBELIFE đã gặp không ít những câu hỏi xoay quanh việc xác định thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân (10%) đối với hợp đồng khoán việc với mức thu nhập chi trả từng lần từ 2 triệu đồng trở lên. Ví dụ như tình huống sau:
Công ty X thuê cá nhân Y thực hiện công việc giao khoán phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của mình, hai bên thống nhất X phải trả Y thu nhập thuần chưa bao gồm thuế TNCN là 100.000.000 đồng. Trong trường này, thu nhập chịu thuế TNCN là bao nhiêu? Thuế TNCN là bao nhiêu?
Quan điểm 1: cho rằng
+ Thu nhập chịu thuế TNCN (bằng TN thuần) = 100.000.000 đồng
+ Thuế TNCN phải khấu trừ 10% = 10.000.000 đồng
Quan điểm 2: cho rằng
+ Thu nhập thuần (không gồm thuế TNCN) = 100.000.000 đồng
+ Thu nhập chịu thuế TNCN = 111.111.111 đồng
+ Thuế TNCN phải khấu trừ 10% = 11.111.111 đồng
Quan điểm nào là phù hợp với các quy định luật về thuế Thu nhập cá nhân?
EDUBELIFE xin có đôi dòng chia sẻ về vấn đề này, như sau:
CĂN CỨ PHÁP LÝ 1 Căn cứ khoản 2 Điều 3 và khoản 1, tiêt b 2 Điều 28 Nghị định 65/2013/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn luật thuế TNCN
Điều 3. Thu nhập chịu thuế
Thu nhập chịu thuế của cá nhân gồm các loại thu nhập sau đây:
…2. Thu nhập từ tiền lương, tiền công mà người lao động nhận được từ người sử dụng lao động, bao gồm:
- a) Tiền lương, tiền công và các khoản có tính chất tiền lương, tiền công nhận được dưới các hình thức bằng tiền hoặc không bằng tiền.
Điều 28. Khấu trừ thuế
- Khấu trừ thuế là việc tổ chức, cá nhân trả thu nhập thực hiện tính trừ số thuế phải nộp vào thu nhập của người nộp thuế trước khi trả thu nhập.
- Các loại thu nhập phải khấu trừ thuế:
- b) Thu nhập từ tiền lương, tiền công, tiền thù lao, kể cả tiền thù lao từ hoạt động môi giới;
CĂN CỨ PHÁP LÝ 2: Căn cứ tiết a khoản 2 Điều 2 Thông tư 111/2013/TT-BTC hướng dẫn thi hành Luật thuế TNCN
Điều 2. Các khoản thu nhập chịu thuế
Theo quy định tại Điều 3 Luật Thuế thu nhập cá nhân và Điều 3 Nghị định số 65/2013/NĐ-CP, các khoản thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân bao gồm:
- Thu nhập từ tiền lương, tiền công
Thu nhập từ tiền lương, tiền công là thu nhập người lao động nhận được từ người sử dụng lao động, bao gồm:
- a) Tiền lương, tiền công và các khoản có tính chất tiền lương, tiền công dưới các hình thức bằng tiền hoặc không bằng tiền.
CĂN CỨ PHÁP LÝ 3: Căn cứ tiết a,b khoản 2 Điều 8 Thông tư 111/2013/TT-BTC hướng dẫn thi hành Luật thuế TNCN
- Thu nhập chịu thuế từ tiền lương, tiền công
- a) Thu nhập chịu thuế từ tiền lương, tiền công được xác định bằng tổng số tiền lương, tiền công, tiền thù lao, các khoản thu nhập khác có tính chất tiền lương, tiền công mà người nộp thuế nhận được trong kỳ tính thuế theo hướng dẫn tại khoản 2, Điều 2 Thông tư này.
- b) Thời điểm xác định thu nhập chịu thuế.
Thời điểm xác định thu nhập chịu thuế đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công là thời điểm tổ chức, cá nhân trả thu nhập cho người nộp thuế.
CĂN CỨ PHÁP LÝ 4: Căn cứ tiết i khoản 1 Điều 25 Thông tư 111/2013/TT-BTC hướng dẫn thi hành Luật thuế TNCN
Điều 25. Khấu trừ thuế và chứng từ khấu trừ thuế
- Khấu trừ thuế
Khấu trừ thuế là việc tổ chức, cá nhân trả thu nhập thực hiện tính trừ số thuế phải nộp vào thu nhập của người nộp thuế trước khi trả thu nhập, cụ thể như sau:
- i) Khấu trừ thuế đối với một số trường hợp khác
Các tổ chức, cá nhân trả tiền công, tiền thù lao, tiền chi khác cho cá nhân cư trú không ký hợp đồng lao động (theo hướng dẫn tại điểm c, d, khoản 2, Điều 2 Thông tư này) hoặc ký hợp đồng lao động dưới ba (03) tháng có tổng mức trả thu nhập từ hai triệu (2.000.000) đồng/lần trở lên thì phải khấu trừ thuế theo mức 10% trên thu nhập trước khi trả cho cá nhân.
- Chứng từ khấu trừ
- a) Tổ chức, cá nhân trả các khoản thu nhập đã khấu trừ thuế theo hướng dẫn tại khoản 1, Điều này phải cấp chứng từ khấu trừ thuế theo yêu cầu của cá nhân bị khấu trừ…
Có ví dụ minh hoạ
KẾT LUẬN:
Với bản chất: thu nhập thuần là thu nhập KHÔNG bao gồm thuế TNCN hay nói một cách khác là thu nhập thuần là thu nhập ĐÃ KHẤU TRỪ thuế thu nhập cá nhân.
Theo các quy định pháp luật trên “ Khấu trừ thuế là việc tổ chức, cá nhân trả thu nhập thực hiện tính trừ số thuế phải nộp vào thu nhập của người nộp thuế trước khi trả thu nhập” => để xác định được thu nhập của người nộp thuế trước khi khấu trừ, chúng ta phải quy đổi sao cho sau khi khấu trừ thuế TNCN 10% thì thu nhập thuần của cá nhân này = 100.000.000 đồng.
Lưu ý rằng: Thu nhập trước khi chi trả cho cá nhân chính là chỉ tiêu thu nhập chịu thuế TNCN thể hiện trong các văn bản pháp luật trích dẫn trên.
Chi tiêu thu nhập chịu thuế TNCN thể hiện rõ công thức xác định qua Chứng từ khấu trừ thuế do Tổng cục thuế – Bộ tài chính ban hành. Trong đó:
Thuế TNCN phải khấu trừ = 10% x Thu nhập chịu thuế TNCN
Thu nhập thực nhận = Thu nhập chịu thuế – Thuế TNCN đã khấu trừ
Qua các phân tích trên, chúng ta thấy rằng QUAN ĐIỂM thứ 2 là phù hợp với các quy định pháp lý liên quan đến thuế TNCN.
Trên đây là một số chia sẻ của EDUBELIFE xung quanh đề tài không mới nhưng gây nhiều tranh cãi trong thời gian gần đây. Chúc các bạn luôn mạnh khoẻ, thành công trong sự nghiệp!